CHUYÊN ĐỀ “THIẾT KẾ MỘT SỐ HÌNH THỨC TỔ CHỨC HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC CÁC MÔN KHXH - CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018”
Học tập trải nghiệm là một xu hướng dạy học tiên tiến trên thế giới, giúp việc học tập không còn bị bó hẹp trên trang sách mà thực tiễn bước vào đời sống của học sinh. Với học tập trải nghiệm, học sinh được lĩnh hội kiến thức thông qua việc tự mình trải nghiệm các hoạt động liên quan đến nội dung kiến thức như tham quan thực tế, đóng vai, sinh hoạt câu lạc bộ, trao đổi thông qua các diễn đàn,… Những hoạt động này giúp HS có được sự phát triển toàn diện, hài hòa về đức, trí, thể, mĩ.
Hiểu được tầm quan trọng của học tập trải nghiệm trong dạy và học, nhiều năm qua, trường TH, THCS và THPT Tân Phú đã tổ chức nhiều hoạt động học tập trải nghiệm trong và ngoài nhà trường.
Với mong muốn nâng cao chất lượng dạy học cũng như gợi ý một số hình thức tổ chức học tập trải nghiệm các KHXH ở trường phổ thông, ngày 07/10/2022 vừa qua, Trường TH, THCS và THPT Tân Phú tổ chức chuyên đề “Thiết kế một số hình thức tổ chức học tập trải nghiệm trong dạy học các môn KHXH chương trình Giáo dục Phổ thông 2018”
Những cơ sở lý luận được áp dụng trong tiết dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10: Chủ đề Cơ chế thị trường - Thời cơ hay thách thức cho doanh nghiệp. Trong tiết học, các bạn học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế về các ưu, nhược điểm của thị trường thông qua việc hóa thân thành các nhân vật như Chủ tịch Phường, Trưởng ban quan lý khu phố, Chủ doanh nghiệp, khách mời dự toạ đàm… Học thông qua trải nghiệm đã thực sự giúp người học tham gia vào quá trình lĩnh hội tri thức chứ không chỉ đơn thuần học tập qua sách vở.
Với tầm nhìn “khai phóng tiềm năng, đào tạo thế hệ công dân toàn cầu”; Trường TH, THCS và THPT Tân Phú đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm nhằm giúp học sinh nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn, phát huy tính sáng tạo của từng cá nhân, nâng cao khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức, kĩ năng từ các trải nghiệm của riêng bản thân mình từ đó học sinh tự tin khẳng định bản thân mình, trở thành người công dân toàn cầu trong xu thế hội nhập của thế kỉ XXI.