27.03 2024

Thiết kế và tổ chức dạy học chuyên đề Tách tinh dầu từ các nguồn thảo mộc tự nhiên nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học

Với mục tiêu thực hiện việc dạy và học chương trình Hoá học hiệu quả và chất lượng, nhóm Hoá Trường TH, THCS và THPT Tân Phú đã tổ chức thành công chuyên đề dành cho khối 11 “Thiết kế và tổ chức dạy học chuyên đề Tách tinh dầu từ các nguồn thảo mộc tự nhiên nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học”.

Chủ đề “Tách tinh dầu từ nguồn thảo mộc tự nhiên” được thực hiện trong 03 tuần trên lớp và 01 tuần ở nhà.

Tuần 1 (2 tiết)

Phần 1: Xác định vấn đề và giao nhiệm vụ

  • HS xác định rõ vấn đề cần thực hiện “Tinh dầu từ các nguồn thảo mộc tự nhiên được ly trích bằng cách nào?”
  • Tuỳ theo năng lực học tập của đặc thù lớp học, GV tổ chức chia nhóm và phân công chủ đề thực hiện. Thực nghiệm đối với lớp 11B2 của trường Tân Phú, GV lựa chọn hình thức định hướng nhóm HS tự chọn loại thảo mộc để ly trích nhằm đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học rõ nét hơn. Tinh dầu được các nhóm lựa chọn là tinh dầu cam, bưởi, bạc hà và hương thảo.

Phần 2: Nghiên cứu kiến thức nền và hướng dẫn chuẩn bị bản phác thảo 

  • HS được trải nghiệm một tiết học lý thuyết để tìm hiểu về khái niệm, hoạt tính sinh học, ứng dụng và các phương pháp ly trích tinh dầu. Bên cạnh đó, GV giới thiệu về hệ thống thuỷ chưng cất tinh dầu Clevenger trong nước và các thao tác thực hành thí nghiệm trong quá trình ly trích tinh dầu.
  • HS tìm hiểu cách thực hiện báo cáo quá trình thực nghiệm trên Class Notebook.
  • HS tìm hiểu về cách sử dụng phần mềm Chemdraw để vẽ các công thức cấu tạo của một số hợp chất có hàm lượng cao trong tinh dầu.

Tuần 2 (1 tiết + 1 tuần ở nhà): Trình bày, bảo vệ bản phác thảo của nhóm thực hiện. Từ đó dựa trên bản phác thảo sơ bộ, các nhóm chủ động thử nghiệm và điều chỉnh bản phác thảo hoàn chỉnh.

Tuần 3 (2 tiết): Báo cáo quá trình thực nghiệm, triển lãm, giới thiệu sản phẩm. Gồm 03 hoạt động chính:

  • HĐ1: Ôn tập kiến thức lí thuyết trên phần mềm trực tuyến Kahoot.it.
  • HĐ2: Thực hành lắp ráp và kiểm tra mức độ vận hành hệ thống thuỷ chưng cất tinh dầu Clevenger trong nước.
  • HĐ3: Các nhóm báo cáo poster về quá trình thực nghiệm và phản biện.
  • HĐ4: GV góp ý, nhận xét và chia sẻ về định hướng nghề nghiệp ngành hoá học nói chung và ngành hoá hữu cơ nói riêng.
  • HĐ5: Dặn dò (về tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và thực hiện tự đánh giá quá trình).

Khép lại chuyên đề, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức lí thuyết và thực hành, các em học sinh còn nuôi dưỡng tinh thần đồng đội, sự kiên trì trong những lần thử nghiệm và hơn hết là được lưu giữ những hình ảnh đẹp với chiếc áo blouse trắng với niềm tin vào hoá học nói riêng và khoa học nói chung.