13.09 2023

Tình Yêu Tuổi Học Trò: Rung Cảm Và Trưởng Thành

"Tình yêu tuổi học trò" được nhìn nhận như một dấu ấn tâm lý đặc trưng ở lứa tuổi trung học và phổ thông. Cùng với tình bạn, tình yêu học trò trở thành những mối quan hệ gắn bó ngoài gia đình giúp định hướng sự phát triển nhân cách và mài giũa hành vi của thiếu niên. Tình yêu tuổi học trò cung cấp một chất liệu phong phú, một bài học thực tế trong cách ứng xử, đối đãi, vun đắp, thậm chí là đối mặt và giải quyết mâu thuẫn. 

Tình yêu tuổi học trò không xấu, tuy nhiên, văn hoá Á Đông vẫn ngại đề cập thẳng thắn đến chủ đề tình yêu, giáo dục giới tính toàn diện vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”, khiến thiếu niên không được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng đúng đắn, dẫn đến việc đưa ra quyết định sai lầm, để lại hậu quả nghiêm trọng cả về tâm lý lẫn thể chất.

Ngày 15/08, học sinh trường TH, THCS và THPT Tân Phú tham gia chuyên đề tâm lý học đường “Tình yêu tuổi học trò: Rung cảm và trưởng thành” do nghiên cứu sinh tâm lý Đào Lê Tâm An dẫn dắt. Với kiến thức tâm lý và các hoạt động trực quan sinh động, thầy Tâm An đã chia sẻ cách thức tạo dựng, duy trì, phát triển tình cảm tuổi học trò một cách bền vững và an toàn.   

Đối với cấp THPT, thầy Tâm An nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu chính mình, giao tiếp cởi mở để xác định sự phù hợp với “nửa kia”, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân và cùng thống nhất giới hạn an toàn để tình yêu tuổi học trò không để lại những hậu quả đáng tiếc. Đối với cấp THCS, chuyên viên tâm lý phân tích cách thức chăm sóc cơ thể tuổi dậy thì an toàn, sạch sẽ; Khi xây dựng tình bạn đẹp cần tôn trọng góc nhìn, quan điểm của nhau, giúp đỡ nhau trong khả năng cho phép.  

Phần cuối chuyên đề, thầy Tâm An bật mí: “Để phụ huynh chấp nhận tình cảm tuổi học trò, các em cần gắn tình cảm ấy với sự phát triển của bản thân. Nếu thầy cô, ba mẹ thấy kết quả học tập cải thiện, các em chăm chỉ rèn luyện sức khoẻ thể chất, tinh thần, học hỏi các hành xử văn minh cùng nhau thì thầy tin rằng tình cảm ấy xứng đáng được ủng hộ”.