Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Hoá học phù hợp với yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, tổ chuyên môn trường TH – THCS – THPT Tân Phú tổ chức chuyên đề học tập “ỨNG DỤNG MÔ HÌNH LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC TRONG DẠY HỌC CHỦ ĐỀ TỐC ĐỘ PHẢN ỨNG HOÁ HỌC” dành cho học sinh khối 10.
Khác với cách tiếp cận truyền thống, chủ đề “Tốc độ phản ứng hoá học” được xây dựng theo mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Từ đó, mở ra môi trường học tập tích cực cho học sinh, đặc biệt tăng cơ hội khám phá, kiểm chứng kiến thức mới trên cơ sở tổng hợp và phân tích dữ liệu từ thực hành thí nghiệm.
Chủ đề “Tốc độ phản ứng hoá học” được thiết kế thành 03 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (Trước):
++ Học sinh được học tập trên nền tảng bài giảng điện tử e-learning - Ispring Suite để hoàn thành nhiệm vụ cá nhân.
++ Nhóm dự án nghiên cứu các thí nghiệm “Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng” xoay quanh các yếu tố về nhiệt độ, nồng độ, bề mặt tiếp xúc và chất xúc tác. Học sinh báo cáo tiến độ thực hiện trên Note ClassBook (được tích hợp trên Microsoft OneNote). Giáo viên theo dõi, góp ý và đánh giá tiến độ thực hiện.
Giai đoạn 2 (Trong): Các nhóm lần lượt báo cáo các nhiệm vụ được giao với những buổi học thú vị đến từ các nhóm.
++ Điểm ấn tượng nhất là bài giảng hệ thống kiến thức của học sinh với vai trò là Thầy giáo dạy Hoá đầy tự tin và toả sáng trên bục giảng.
++ Các minh chứng từ các nhóm đã trực quan hoá kiến thức thông qua những video thí nghiệm, buổi hướng dẫn thực hành thí nghiệm trực tiếp tại lớp, biểu đồ thể hiện kết quả được lấy từ các dữ liệu thực nghiệm và những bài học kinh nghiệm đúc kết được từ những lần thất bại. Trên cơ sở đó, các nhóm đã làm sáng tỏ về sự ảnh hưởng của các yếu tố đến tốc độ phản ứng hoá học.
Giai đoạn 3 (Sau): Giáo viên làm rõ hơn các kiến thức mà học sinh chưa nắm, mở rộng kiến thức nâng cao như giải thích dựa theo thuyết va chạm, hệ số Van’t Hoff, năng lượng hoạt hoá, củng cố kiến thức bằng trò chơi ôn tập và đánh giá hồ sơ dự án của các nhóm trên Note ClassBook.
Ngoài ra, việc thiết kế hoạt động học tập trong chủ đề “Tốc độ phản ứng hoá học” nhằm định hướng phát triển các kĩ năng học tập trong thế kỉ 21 cho học sinh (theo Microsoft) như kĩ năng cộng tác, giao tiếp có kĩ năng, xây dựng kiến thức, giải quyết vấn đề và đổi mới, tự điều chỉnh và đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin.
Khép lại chuyên đề, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức lí thuyết và thực hành, các em học sinh còn nuôi dưỡng tinh thần đồng đội, sự kiên trì trong những lần thử nghiệm và hơn hết là được lưu giữ những hình ảnh đẹp với chiếc áo blouse trắng với niềm tin vào hoá học nói riêng và khoa học nói chung.