19.08 2022

KHOA HỌC TỰ NHIÊN & SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Con người nhận được rất nhiều từ Trái Đất, nhưng liệu chúng ta đã trả lại gì?...
Hơn 353 triệu tấn rác thải nhựa nhưng có đến 50% bị chôn lấp, chỉ có 9% nhựa được tái chế và 19% nhựa được tiêu huỷ trong năm 2021 (theo OECD).
Khoảng 11,1 triệu ha rừng nhiệt đới bị phá huỷ trong năm 2021 (theo OECD).
Tốc độ băng tan chảy đến mức báo động, tăng hơn 57% so với 3 thập kỉ trước.
Hơn 52 tỉ tấn tài nguyên bị khai thác từ Trái Đất.
…Vậy, còn lại gì cho tương lai?
Trong những năm gần đây, “Phát triển bền vững” được Liên Hợp Quốc xác định là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Cùng việc tìm hiểu về 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), toàn thể học sinh khối 8 và 9 có cơ hội chia sẻ những góc nhìn khoa học thông qua chuyên đề “Khoa học tự nhiên & Sự phát triển bền vững" được tổ chức tại Trường TH, THCS và THPT Tân Phú. 

Chuyên đề được thiết kế với 2 giai đoạn: thực hiện sản phẩm và trải nghiệm ngoại khoá trong nhà trường với các hoạt động nổi bật sau:
Tìm hiểu về thực trạng môi trường hiện nay và tầm quan trọng của sự phát triển bền vững đúc kết từ video “Phát triển bền vững - giải pháp cho tương lai”. 

Trò chơi “Mảnh ghép tương lai tôi muốn" phản ánh hiện thực thế giới chỉ qua một bức ảnh duy nhất. Những bức ảnh khiến chúng ta cảm thấy sự xao động của trí nhớ vì có thể tượng tưởng những khung cảnh khác nhau từ sự ô nhiễm không khí, vấn đề rác thải, sự khan hiếm nguồn nước sạch và hiện tượng băng tan do nóng lên toàn cầu.

Các đội lần lượt báo cáo sản phẩm về góc nhìn xoay quanh 4 Mục tiêu Phát triển Bền vững:
Nước sạch và vệ sinh: Thiết kế mô hình máy lọc nước vùng lũ và trình bày vấn đề sự khan hiếm nguồn nước sạch.
Năng lượng sạch với giá thành hợp lí: Thiết kế mô hình sáng tạo “Ngôi nhà thông minh" kết hợp sử dụng nguồn nhiên liệu sạch.
Hành động về khí hậu: Thiết kế thí nghiệm chứng minh ảnh hưởng nghiêm trọng của khí nhà kính làm Trái Đất nóng lên và hậu quả của sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tài nguyên và môi trường biển: Thiết kế thí nghiệm chứng minh vai trò quan trọng của rừng ngập mặn và trình bày vấn đề ô nhiễm môi trường biển.

Học sinh Tân Phú cùng nắm tay nhau, nối thành vòng tròn lớn và cùng hát vang bài ca “Trái Đất này là của chúng mình" như một lời cam kết hành động bảo vệ Trái Đất - ngôi nhà chung của chúng ta.

Đọng lại cuối chuyên đề, mỗi thành viên Tân Phú ý thức bản thân là một phần của thiên nhiên với sứ mệnh duy trì sự sống cân bằng cho thiên nhiên và thế hệ mai sau. 
Hãy sống xanh và cùng Tân Phú trong hành trình phát triển bền vững các bạn nhé